Khác với các đám cưới tổ chức tại tư gia hay nhà hàng, khách sạn, tổ chức lễ cưới trong nhà thờ yêu cầu sự trang nghiêm mà không cầu kỳ, quá sôi động.
Với nhiều cặp đôi, sắp sửa có dự định tổ chức hôn phối trong nhà thờ thì chắc chắn không thể bỏ qua những lưu ý quan trọng mà chúng tôi chia sẻ dưới đây.
Điều kiện để được tổ chức lễ cưới trong nhà thờ
Để được tổ chức lễ cưới trong nhà thờ theo đầy đủ các nghi thức như Thánh lễ hôn phối chính thống thì cô dâu – chú rể phải là người theo đạo. Đồng thời, các cặp đôi phải cùng theo học một khóa học giáo lý tiền hôn nhân do nhà thờ tổ chức. Thời gian học hóa học giáo lý tiền hôn nhân thông thường là 3 tháng.
Bên cạnh đó, trước khi tổ chức lễ cưới nhà thờ thì các cặp đôi phải đăng ký kết hôn theo dân sự tại phường, xã nơi mà cô dâu hoặc chú rể cư trú.
Trong trường hợp khi tổ chức lễ cưới trong nhà thờ nhưng cô dâu hoặc chú rể không theo đạo thì buổi lễ thành hôn sẽ được diễn ra ngắn gọn, nhanh chóng, dưới sự làm chứng của vài người, gọi là “phép chuẩn”.
Lựa chọn nhà thờ tổ chức hôn phối
Việc tổ chức cưới tại nhà thờ không phải có thể chọn bất cứ nhà thờ nào cũng được. Theo quy định, bạn phải làm lễ cưới ở nơi cô dâu hoặc chú rể sinh sống.
Nếu muốn tổ chức lễ cưới ở nhà thờ khác các địa điểm trên, các cặp đôi phải có giấy ủy quyền của cha xứ tại giáp nơi cô dâu, chú rể sinh sống gửi tới cha xứ của nhà thờ muốn tổ chức cưới.
Các thủ tục cần có khi tổ chức lễ cưới nhà thờ
Thủ tục cần có trước khi 2 bạn được chấp thuận tổ chức lễ cưới trong nhà thờ, bao gồm:
Đầu tiên, cô dâu – chú rể đến gặp cha xứ, trình bày nguyện vọng tổ chức đám cưới tại nhà thờ. Sau đó, cha xứ sẽ làm tờ khai hôn phối cho 2 bạn, để xác định được chính xác là 2 người có theo đạo hay không.
Khi đã xác định được cả 2 bạn đều theo đạo thì cha xứ sẽ giúp đôi uyên ương học giáo lý. Như đã nói ở trên thì khóa học này sẽ kéo dài khoảng 3 tháng.
Sau khi đôi uyên ương hoàn thành xong khóa học và quyết tâm tiến tới hôn nhân thì cha xứ sẽ làm lời rao phối. Rao phối được thực hiện trong 3 ngày chủ nhật ở giáo xứ cả 2 bên tân lang – tân nương.
Nghi thức tổ chức lễ cưới trong nhà thờ này có ý nghĩa thông báo đến cho mọi người biết về hôn phối sẽ được diễn ra giữa 2 người, để đến chia vui với cặp đôi. Đồng thời trong thời gian này nếu như có ý kiến hay ngăn trở nào phản đối thì cha xứ sẽ xem xét.
Cuối cùng, nếu tất cả đều đồng thuận, ủng hộ, cha xứ sẽ quyết định ngày lành tháng tốt để cử hành hôn lễ.
Chọn ngày cho buổi lễ Hôn Phối
Chọn ngày tốt cho Thánh lễ hôn phối sẽ do Cha xứ chọn, chiếu theo lịch Công giáo. Tuy nhiên, trước khi gặp cha xứ để xin ngày tổ chức hôn phối thì gia đình cần phải định xong thời gian tổ chức lễ vu quy, lễ thành hôn. Điều này sẽ giúp gia đình 2 bên chủ động được trong việc chuẩn bị các khâu, để mọi thứ được chu toàn nhất.
Bạn có thể xin cha xứ rút ngắn thời gian xuống còn 2 tuần thay vì 3 tuần như thông lệ, nếu gia đình bạn chọn được ngày tốt cận kề.
Lễ cưới nhà thờ nên mặc gì?
Cô dâu chú rể nên mặc gì khi làm lễ?
Lễ cưới nhà thờ mặc gì là vấn đề của không ít các đôi uyên ương không biết sao cho phù hợp. Thực tế thì nhà thờ không quy định trang phục của cô dâu – chú rể khi tổ chức lễ cưới trong nhà thờ.
Tuy nhiên, vì thánh đường là địa điểm trang nghiêm nên trang phục cũng nên kín đáo hơn.
Với chú rể, khi tổ chức lễ cưới trong nhà thờ bạn có thể lựa chọn các bộ vest, đeo cà vạt hoặc nơ nếu muốn trẻ trung hơn. Còn cô dâu thì bạn có thể lựa chọn áo dài cưới hoặc soiree.
Nếu lựa chọn áo dài cưới, bạn nên tránh những mẫu áo dài bằng chất liệu ren hoặc xuyên thấu, dễ gây phản cảm trong không gian trang nghiêm của nhà thờ.
Tuy nhiên, nếu bạn trót mê chất liệu này thì có thể nhờ thợ may lót thêm một lớp vải mỏng như chiffon, voan hay các loại lụa có chất liệu tự nhiên, hút mồ hôi như tơ tằm.
Còn với những mẫu soiree cưới thì nên chọn những thiết kế có tay, tránh lựa chọn những mẫu soiree cúp ngực, hở lưng,… khi tổ chức lễ cưới trong nhà thờ.
Ngoài ra, khi tổ chức lễ cưới trong nhà thờ nên lựa chọn phụ kiện cũng là yếu tố quan trọng, giúp bạn tỏa sáng nhưng vẫn giữ được vẻ ngoài thanh lịch, đoan trang.
Đi đám cưới nhà thờ nên mặc gì?
Bên cạnh những nhân vật chính trong buổi lễ hôn phối thì khách mời trong đám cưới cũng là thành phần không thể thiếu. Nếu bạn được mời tham dự lễ cưới trong nhà thờ thì nên mặc gì đây?
Ngoài việc tuân thủ theo một số nguyên tắc khi lên đồ dự đám cưới thì với hôn lễ tại nhà thờ, bạn nên ăn mặc kín đáo và nghiêm trang hơn. Trường hợp lỡ diện đồ hở 1 chút thì nên mặc thêm áo khoác bên ngoài.
Khi thực hiện các nghi lễ, bạn nên chú ý quan sát lúc nào mọi người đứng, ngồi, để làm theo. Đặc biệt, lúc gần cuối buổi lễ sẽ có nghi thức mọi người tuần tự xếp hàng tiến lên rước lễ.
Tuy nhiên, nghi thức tổ chức lễ cưới trong nhà thờ này chỉ thực hiện cho những người theo đạo còn những người không theo đạo thì chỉ cần ngồi tại chỗ chờ.
Trang trí nhà thờ trong thánh lễ Hôn Phối
Khi nhận được sự đồng ý của Cha xứ, bạn sẽ liên hệ với trưởng hội đoàn phụ trách trang trí ngày lễ, để họp bàn và thống nhất thực hiện.
Chi phí và lễ vật, các cặp đôi sẽ gửi lại hội trưởng hội đoàn khi tổ chức lễ cưới trong nhà thờ.
Còn riêng với các cặp đôi muốn nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy hơn hay muốn thiết kế theo chủ đích riêng thì có thể gặp Cha xứ để xin phép bài trí.
Chụp ảnh, quay phim phóng sự cưới tại nhà thờ
Quay phóng sự cưới nhằm lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại hôn lễ là điều mà cặp đôi nào cũng mong muốn. Và một đám cưới trong nhà thờ lại càng có ý nghĩa hơn nữa nếu bạn ghi lại được những thời khắc thiêng liêng, trọng đại của cả đời người.
Bạn nên lựa chọn các nhiếp ảnh gia, thợ quay phim là người Công giáo hoặc đã có kinh nghiệm phục vụ Công giáo, để nắm được các nghi thức diễn ra trong hôn phối. Tránh trường hợp đi lại nghênh ngang, ảnh hưởng đến sự trang nghiêm khi tổ chức lễ cưới trong nhà thờ.
Nghi thức tổ chức lễ cưới trong nhà thờ
Nghi thức lễ cưới trong nhà thờ sẽ được Cha xứ chủ trì. Những trình tự bắt buộc phải có trong nghi thức bao gồm: Cô dâu – chú rể trao đổi lời thề nguyện bên nhau trọn đời, làm phép cưới trong nhà thờ, đôi uyên ương trao nhau nhẫn cưới. Sau khi thủ tục đã xong, cặp đôi sẽ ký tên vào sổ Hôn phối của nhà thờ.
Khi thực hiện các nghi thức này tại nhà thờ, tâm lý của cô dâu – chú rể thường sẽ rất hồi hộp dẫn đến việc quên, nói vấp, ngập ngừng.
Tuy cô dâu – chú rể sẽ được Cha xứ tập luyện cho 1 lần trước hôn lễ nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ, để bạn trơn tru từng câu từng chữ.
Vì thế, lời khuyên là bạn nên dành thời gian để luyện tập nhiều lần tại nhà thờ đến khi nào bản thân thấy nhuần nhuyễn hay về nhà đứng gương, đọc to, để tự tin hơn khi đứng trước đám đông.
Vậy là bạn đã nắm được tất tần tật những điều cần biết khi tổ chức hôn lễ trong nhà thờ rồi chứ. Chúc các cặp đôi lãnh nhận bí tích hôn nhân sẽ yêu thương và trân trọng nhau đến suốt cuộc đời.