Lễ Hằng Thuận: Ý nghĩa, xuất xứ và những điều cần biết
iWedding Vietnam
Trái ngược với sự ồn ào, náo nhiệt, áo váy xúng xính rộn ràng, khi đến dự lễ Hằng Thuận, bạn sẽ có cảm giác tĩnh tại và lắng đọng.
Và dường như, bạn sẽ sống chậm lại ở một nơi thật tôn nghiêm với cảm xúc đặc biệt khó tả, với trải nghiệm vô cùng khác lạ.
Xuất xứ của lễ Hằng Thuận
Nhiều nguồn tư liệu cho rằng, người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật bút hiệu là Đồ Nam Tử (1883 – 1940), quê ở Hải Dương.
Là một nhà Nho, sau quy y theo Phật, với lòng nhiệt thành phụng sự Phật pháp, ông nghĩ, việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống gia đình của người phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh.
Năm 1930, bác sĩ phật tử Tâm Minh – Lê Đình Thám, đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm – Huế.
Đây được xem là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta.
Ý nghĩa chữ HẰNG – THUẬN
Đơn giản xuất phát từ tên gọi của nó, “hằng” nghĩa là thường xuyên, luôn luôn, còn “thuận” nghĩa là hòa thuận, đồng thuận hướng về những điều cao thượng, tốt đẹp trong đời sống lứa đôi.
Chính thế, ý nghĩa của lễ Hằng Thuận là giúp đôi vợ chồng trẻ ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân, từ đó hướng đến việc xây dựng và giữ gìn cuộc sống gia đình hạnh phúc, êm ấm.
Ngoài ra, theo một tư liệu khác giải thích, chữ “hằng” trong quẻ dịch chính là đạo vợ chồng. Hằng thuận, nếu hiểu theo nghĩa ấy chính là sống thuận theo đạo vợ chồng, một đạo lý tương quan hảo hợp theo năm nguyên tắc đạo đức chung.
Ý nghĩa thiết thực của lễ Hằng Thuận trong đời sống hôn nhân
Ngoài nghệ thuật sống hòa hợp, độ lượng, ý nghĩa của lễ này còn có tác dụng hướng thiện, nhường nhịn trên tinh thần tương kính, hy sinh và trách nhiệm.
Ẩn chứa trong đó là một tình yêu đẹp, sự vắng mặt của tham – sân – si, không còn khái niệm “của anh”, “của tôi” ở đây nữa mà tất cả đều là “của chúng ta”.
Không chỉ hợp thức hóa đời sống lứa đôi, lễ Hằng Thuận còn giúp cân bằng đời sống tinh thần cũng như vật chất, góp phần tạo nên một đời sống hướng thượng, cao đẹp.
Tuy nhiên, từ “hằng thuận” chỉ thật sự có ý nghĩa khi cả hai đều mong muốn hướng đến một cuộc sống viên mãn bên nhau, dựa trên tình yêu thương, trách nhiệm và mục đích tất cả vì nhau.
Nếu không như vậy mà chỉ vì chạy theo xu hướng, thích khám phá cái mới hay muốn tạo sự khác biệt, ý nghĩa của buổi lễ Hằng Thuận vô tình mất đi giá trị thiêng liêng.
Đó chỉ là một việc làm “tùy thuận” theo xu thế thời đại, xem thường tinh thần và trí tuệ Phật giáo, tốt nhất không nên nghĩ đến việc tổ chức lễ thành hôn ở chùa.
Những điều cần biết về lễ Hằng Thuận
Chú rể và cô dâu cần làm lễ quy y và đặt pháp danh. Nếu đã làm lễ quy y trước đó thì lễ được thực hiện bình thường.
Lễ Hằng Thuận được tổ thức trước khi thực hiện lễ cưới chính thức. Các cặp đôi cần chọn ngôi chùa đã quy y để làm lễ (nếu chưa quy y thì chọn để làm cả hai lễ). Thời gian làm lễ Hằng Thuận cần được sự đồng ý của sư thầy trụ trì ngôi chùa.
Buổi lễ thực hiện đầy đủ lễ nghi, thủ tục sẽ diễn ra khoảng 1 giờ.
Trước đây lễ Hằng Thuận thường được nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế tổ chức vì khá tốn kém.
Tuy nhiên, hiện nay tuỳ theo khả năng chuẩn bị trang trí, lễ theo nhu cầu nhưng đảm bảo trang trọng là được.
Các nghi lễ được thực hiện trong một lễ Hằng Thuận thông thường bao gồm:
- Ổn định lễ và vị trí
- Cung nghinh Chư tôn đức quang lâm
- Tuyên bố lý do
- Giới thiệu thành phần tham dự lễ
- Phát biểu của đại diện hai bên gia đình
- Phát nguyện của cô dâu chú rể
- Cô dâu chú rể đảnh lễ niệm ân cha mẹ, nội ngoại
- Cô dâu chú rể đảnh lễ phát nguyện tôn trọng sự bình đẳng
- Cô dâu chú rể ký tên vào bằng chứng nhận
- Trao nhẫn cưới
- Tặng hoa – Quà chúc mừng
- Đạo từ về ý nghĩa hôn nhân hạnh phúc
- Thắp nến cầu nguyện
- Khóa lễ Cầu an
- Cảm tạ
- Tiệc trà chúc mừng
Như vậy, lễ Hằng Thuận mang nhiều ý nghĩa về đạo đức Phật giáo trong đời sống vợ chồng hơn là lễ nghĩ bắt buộc. Những cặp đôi sắp cưới đều có thể suy nghĩ việc nên làm lễ này hay không.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu Những nghi thức lễ cưới công giáo nên biết để phù hợp với các nghi thức tôn giáo.
iWedding Blog hi vọng rằng với những phong tục cưới hỏi mà ông cha ta đã đúc kết qua nhiều thế hệ giúp các cặp đôi có thêm sự thấu hiểu, sẽ chia.
Cuộc sống viên mãn bên nhau, dựa trên tình yêu thương, trách nhiệm và mục đích tất cả vì nhau.